LÍ LUẬN VĂN HỌC || “NỖI CÔ ĐƠN CỦA VIẾT LÀ NỖI CÔ ĐƠN MÀ KHÔNG CÓ NÓ SẼ KHÔNG CÓ TÁC PHẨM”

Ngày 22/03/2024 18:53:00, lượt xem: 663

“Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm” là đề bài mà có thể em sẽ gặp trong quá trình học văn, đặc biệt là phần lí luận văn học. Dưới đây là bài viết mẫu lớp đề bài trên do Học Văn Chị Hiên biên soạn để các bạn có thể tham khảo, đặc biệt là những bạn học sinh giỏi.

 

 

Đề bài: Nhà văn Marguerite Duras cho rằng: “Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm.” 

(Theo: https://tiasang.com.vn/-van-hoa/co-don-cua-viet-3253)

Bằng trải nghiệm văn học của bản thân trong chương trình lớp 12, hãy bình luận ý kiến trên!

 

Bài làm

Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh.” Phải chăng họ đã vô hình dung hiểu rõ được sự lẩn quanh của cảm xúc, không thể giải bày khi dấn thân khám phá hành trình văn chương cô độc. Hai chữ cô đơn nghe chừng là cảm xúc mơ màng khiến người ta chìm vào hố sâu quên lãng nhưng thực chất nó lại là món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng để người cầm bút có thể viết lên những câu văn đậm chất tư tưởng. Đúng như Marguerite Duras chiêm nghiệm: “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”.

Theo câu nói của Duras, ta cần phải hiểu rõ cô đơn ở đây là gì và câu nói này có ý nghĩa như thế nào. Cô đơn là một trạng thái cảm xúc vô cùng phức tạp của con người. Nó thể hiện một người thích cuộc sống một mình, không thể chia sẻ cũng như đồng điệu với những người khác trong xã hội. Cô đơn thường bao gồm cả cảm giác lo lắng về sự thiếu kết nối hay giao tiếp với những cá nhân khác. Và ở trong thế giới văn học ta có thể hiểu cô đơn là một nét riêng mang dấu ấn phong cách cá nhân của người nghệ sĩ. “Viết” là chỉ hành động của nhà văn khi lựa chọn, sắp xếp ngôn từ một cách nghệ thuật để tạo nên những trang văn tuyệt mỹ, nó giống như hành trình đi thám hiểm đến những vùng đất mới để tạo ra bản thảo độc đáo cho riêng mình. "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." - Nam Cao. Mỗi một tác phẩm là một công trình sáng tạo của nhà văn. Anh đã sử dụng ngôn từ đa dạng và những hình ảnh độc đáo để gửi gắm thông điệp về triết lí nhân sinh trong cuộc đời, nó luôn chứa đựng những tầng ý nghĩa không dễ gì khai mở. Những tư tưởng lớn vượt tầm thời đại được gửi gắm vào hình tương nghệ thuật đôi khi cản trở sự tiếp nhận của độc giả. Điều đó đã ảnh hưởng đến "nỗi cô đơn" của tác giả. Như vậy câu nói của Duras đã chỉ ra một đặc trưng quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn cũng như đem đến yêu cầu tự nhiên của hoạt động sáng tạo.

Cô đơn là vậy nhưng nó lại là quá trình không thể nào thiếu trong quá trình sáng tác. Bởi vì để ghi lên trang giấy những tác phẩm tuyệt tác, người nghệ sĩ sẽ phải bước vào thế giới mà chính cảm xúc của mình tạo thành. Trong thế giới ấy, nhà văn sẽ phải xác định mình sẽ là một cá thể đơn lẻ và tự làm việc trong môi trường mang tính cá thể hóa cao độ. Ngay từ khi “thai nghén” tác phẩm, nghệ sĩ sẽ phải vào vai người đạo diễn thực thụ khi chỉ mình anh phụ trách việc phác thảo ý tưởng, sửa chữa bản thảo cho tới khi tác phẩm hoàn thiện tới tay bạn đọc. Như chúng ta đã biết, tác phẩm chính là một sản phẩm của quá trình lao động nghệ thuật, nó phải phản ánh chân thực cuộc sống, thời đại mà nó ra đời cùng với đó là thể hiện được những giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm. Để tác phẩm làm được điều đó, người nghệ sĩ phải đảm bảo trách nhiệm khai thác triệt để những gì chân thực chân thực nhất ở đời. Khi thực hiện nhiệm vụ ấy, anh - một người nghệ sĩ lớn thường đơn độc trong hiện thực, họ vừa phải chống chọi với rào cản của xã hội thời bấy giờ bởi tư tưởng vượt xa thời cuộc, không mấy ai đồng điệu với họ.  Đó cũng là lý do khiến những con người tài hoa, những nghệ sĩ, thi nhân thường mang nỗi cô đơn suốt cả đời người. Trong văn chương hay thơ ca thường tràn ngập những hình ảnh hay những biểu hiện của tâm trạng cô đơn. Cảm giác ấy, tâm trạng ấy đã được nâng lên thành cái đẹp, bởi nó có sức lay động trái tim không chỉ của người đọc cùng thời mà còn của biết bao thế hệ đi sau. Giọt lệ rơi khi một mình đứng giữa trời đất bao la phải đâu là thương cảm cho đời mình, phận mình phải gánh chịu những nghịch cảnh, phong ba nào đó mà là cảm nhận sâu sắc về sự mong manh, hữu hạn của kiếp người trong vũ trụ. Anh hùng đã qua, tài hoa sắp tới, tất cả đều là phù du, chớp mắt tan nhanh giữa vĩnh hằng của đất trời. Khoảnh khắc ngộ ra điều này, không biết chia sẻ cùng ai, tự nhiên mà rơi nước mắt. Trần Nhân Tông khi lên chơi núi Bảo Đài cũng có khoảnh khắc cảm xúc tương tự:

“Vạn sư thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm”

(Đăng Bảo Đài sơn)

(Vạn sự như nước trôi theo nước

Trăm năm chỉ lòng nói với lòng)

Với cái nhìn xã hội học đơn giản, sẽ dễ dẫn đến sự lý giải giản đơn rằng các nhà thơ xưa thường cảm thấy cô đơn vì xã hội phong kiến bất công không dung chứa nổi tài hoa. Hay trong thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hàn Mặc Tử, cũng như các tác phẩm nước ngoài như “Trăm năm cô đơn” (Gabriel Garcia Marquez),… cũng là những minh chứng cho sự cô đơn tạo nên giá trị bền bỉ của tác phẩm. Như vậy ta có thể khẳng định rằng, những sự cô đơn vĩ đại ấy đã khiến cho dòng chảy văn chương trở nên mượt mà hơn, vượt qua được sự khắt khe của thời gian để cập bến trái tim bạn đọc. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói. Như vậy nhận định “Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm” không chỉ cho chúng ta thấy sự đúng đắn xuất phát từ sự chiêm nghiệm sâu sắc của nữ văn sĩ Marguerite Duras mà nó còn xuất phát từ bản chất tất yếu của văn học. Đằng sau tấm kính cô độc, nhà văn mới có thể bộc bạch lòng mình dưới từng câu từ con chữ. Ta chợt nhớ tới nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, anh là người “Bị chiến tranh bỏ sót lại”, khi quay trở lại với cuộc sống thường ngày, Kiên vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm, hồi ức ngày ở chiến trường, anh vẫn không dứt được ra khỏi hồi ức chiến tranh mà anh đã trải qua. Bởi vậy khi nghĩ về nó, anh lại viết, những dòng viết của anh cứ thế bị dòng hồi ức ấy cuốn đi. Không ai có thể bước vào thế giới đó của Kiên, chỉ mình anh hiểu, mình anh sống với nó và chỉ khi tác phẩm hoàn thành, ta mới nhận thấy rằng anh đã tự đặt trách nhiệm cho mình là phải viết, phải viết cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Như vậy không có con đường có sẵn để đến với tác phẩm, và cô đơn là không gian cư ngụ của nghệ thuật, người nghệ sĩ nhất thiết phải trải qua cái hư vô đó, trải qua nỗi cô đơn đó để sáng tạo ra tất cả. Cô đơn là trạng thái tất yếu, cốt tử đối với nghệ sĩ, là một nhu cầu thực sự. Không có nó sẽ không có tác phẩm. Cô đơn là trạng thái duy nhất cho phép mỗi người tự đối diện với chính mình, để có ý thức về bản thân mình. Sự hoà nhập với những người xung quanh sẽ khiến người ta đánh mất ý thức này và chỉ còn sống với ý thức chung của “cái người ta”, như Heidegger đã chỉ ra.

 

ĐỌC THÊM: NGHỊ LUẬN VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA TÌNH CẢM GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI || ĐỀ THI KHẢO SÁT LỚP 11 MÔN NGỮ VĂN TẠI HÀ NỘI

 

Dù ở thời đại nào, sự cô đơn ấy vẫn là yếu tố cốt lõi để một tác phẩm thai nghén, hoàn thành. Trong những năm tháng mưa bom bão đạn, đất nước lầm than. Văn học sẽ phải làm nhiệm vụ phục vụ cho kháng chiến, lúc ấy người nghệ sĩ sẽ phải tạm gác lại tình cảm cá nhân để viết về lẽ sống lớn hơn. Nhưng dù cho viết về điều gì thì ta vẫn cảm giác có một chút gì đó nuối tiếc, một chút điều gì khó nói trong thế giới của những nhà thơ ấy. Cụ thể khi tìm hiểu bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra được đây là tình cảm da diết của nhà thơ với mảnh đất “thủ đô gió ngàn” thân yêu. Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó ta cũng thấy được sự quyến luyến, bịn rịn của nhà thơ khi phải chia tay mảnh đất mười lăm năm gắn bó, phải chăng tác giả Tố Hữu cũng đã gói ghém lại nỗi niềm riêng của mình gửi vào vần thơ “Việt Bắc” để trở về thủ đô ánh sáng. 

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”.

Đọc bốn câu thơ này, ta có thể thấy rằng đây chính là lời người ở lại nói với người ra đi, cặp từ “mình-ta” vừa da diết, vừa bịn rịn nghẹn ngào nhưng cũng thể hiện tình cảm tha thiết gắn bó. Trong đoạn thơ này có hai câu hỏi được xuất hiện, “có nhớ ta?”; “có nhớ ta không?” như một lời nhắn nhủ rằng sau này về với thủ đô, xin hãy đừng quên chúng tôi. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của cụm từ “mười lăm năm ấy” rất “thiết tha mặn nồng”. Chúng ta đã từng trải qua cùng nhau, chúng ta đã có mười lăm năm cùng kháng chiến vậy nên khi về miền xuôi, nhìn “cây”, ‘núi”, “sông”, “nguồn” hãy nhớ về chúng tôi. Đó chính là ý nghĩa của những vần thơ ấy. Tuy nhiên trong một bài phỏng vấn về bài thơ “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu đã từng chia sẻ rằng nếu chỉ hiểu đơn giản như vậy thì vẫn chưa thấy được hết ý nghĩa thực sự của “Việt Bắc”. Phải chăng, đây không chỉ là cuộc chia tay của người đi và người ở mà đây cũng chính là sự chia tay của nhà thơ Tố Hữu với phần đời còn lại của mình tại mảnh đất này. Như nhà thơ chia sẻ: “Mình, ta” không phải dùng cho ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, không phải một từ chỉ chủ thể, một từ chỉ khách thể mà cả hai đều chỉ chủ thể. Tôi nhắc lại “Mình và ta” ở đây đều chỉ chủ thể.”  Nghĩa là mình ấy, ta ấy đều là một phần của đời sống thi sĩ đã trải qua ở Việt Bắc. Cái phần đời này trò chuyện, quyến luyến với phần đời kia. Cho nên cuộc chia tay không phải diễn ra bình thường trong thời gian, không gian cụ thể mà diễn ra trong máu thịt, trong tâm hồn nhà thơ. Sự chia ly bản thân mình là cuộc chia ly khó khăn nhất, đắm đuối nhất, tha thiết nhất. Phải hiểu đúng cách dùng hai từ “mình”, “ta” này của tác giả mới hiểu đúng bài thơ. Vậy nên để chia tay với phần đời của mình có lẽ là cuộc chia tay khó khăn và lưu luyến nhất và phải ở trong hoàn cảnh ấy thì mới có thể hiểu được cảm xúc của tác giả. Nhà thơ Tố Hữu không trực tiếp bộc bạch, ông đã mượn lời chia tay giữa người đi, kẻ ở vừa là để thể hiện tình cảm của họ, vừa là để thể hiện tâm tư của mình. Đó cũng chính là một biểu hiện của sự cô đơn lớn lao.

Khép lại những vần thơ kháng chiến, ta bắt gặp sự cô độc lớn lao ấy cũng xuất hiện khá nhiều trong những trang thơ hiện đại. Nó trải dài mãi trong tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ và đọng lại một cách thật ấn tượng trong bài thơ “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. 

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn trùng con sóng vỗ bạc đầu, người nghệ sĩ lại có trong mình nhiều rung cảm đến vậy, để cho tới tận bây giờ, biển vẫn hát khúc ca của đại dương. Và ta, độc giả của những năm tháng này, vẫn ru hoài giấc mơ qua những thi phẩm khởi nguồn từ con sóng. Trong khổ thơ này, nghệ thuật đối đã được sử dụng một cách rất tinh tế. Các cặp từ đối lập: “Dữ dội – dịu êm”, “Ồn ào – lặng lẽ” là biểu hiện rõ ràng nhất cho những trạng thái đối cực của con sóng ngoài đại dương. Khi đại dương hiền hòa, những con sóng thật nhẹ nhàng, êm dịu, khi có bão đi ngang biển động sóng mạnh mang theo bao bão tố, phong ba. Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên, nhưng cũng có những ngày bão tố. Ta cũng có thể hiểu hai câu thơ này theo một trường nghĩa khác, với trạng thái đối cực của trái tim người phụ nữ khi yêu, một người phụ nữ khao khát tình yêu. Khi vui, khi buồn, khi giận hờn, khi trách móc, khi hạnh phúc, khi tổn thương,... Phải chăng, nữ thi sĩ cũng đang chơi vơi với chính cảm xúc cô đơn của mình khi chính bản thân nghệ sĩ đang rơi vào sự hỗn loạn của tình yêu.

Và trước khoảng không vô tận và đối diện với trái tim, em tự đặt ra một câu hỏi cho lòng mình, để truy tìm căn nguyên của sóng nhưng cũng chính là lúc em muốn truy tìm căn nguyên của tình yêu.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

Em đang trên chuyến hành trình truy tìm căn nguyên của tình yêu. Em không thẳng thắn nói ngay vào điều đó, mà em muốn thông qua hình ảnh sóng để trải lòng mình. Theo khoa học, sóng sinh ra từ gió. Thơ Xuân Quỳnh vốn không thường viết về những điều khô khan như thế, tác giả bẻ ngay “cuống lái” về những nốt nhạc của trái tim. Vậy thì gió bắt đầu từ đâu? Em suy hoài, nghĩ mãi nhưng cuối cùng lại chẳng tìm được câu trả lời. Và rồi để bao biện cho sự thất bại trong cuộc truy tìm của mình, người con gái ấy buông nhẹ một cái lắc đầu đáng yêu: “Em cũng không biết nữa”. Và gửi lời tới “anh” một câu hỏi rất nhẹ nhàng: “Khi nào ta yêu nhau?”. Trái tim “em” luôn muốn tìm sự lý giải, cắt nghĩa tình yêu, truy tìm căn nguyên tình yêu của chính mình: “Chúng ta yêu nhau từ bao giờ, chúng ta yêu nhau vì điều gì...” Tất cả đều là những câu hỏi rất khó để trả lời, hoặc là sẽ chẳng thể nào tìm ra được một câu trả lời nào trọn vẹn cả. Xuân Quỳnh đã thất bại trong cuộc truy tìm, cắt nghĩa tình yêu nhưng lại ghi được ấn tượng sâu đậm trong lòng đọc giả từ cách lý giải đầy nữ tính. Khi đã rơi vào tình yêu, con người thường không thể lí giải được những cảm xúc xuất hiện trong trái tim mình, với nữ thi sĩ, nàng cô độc trong chuyến hành trình truy tìm căn nguyên của thứ tình cảm đẹp đẽ ấy. Nhưng nghệ sĩ sẵn sàng đắm chìm trong hành trình cô đơn này, vì sao? Vì tình yêu chính là thức quà ngọt ngào mà cuộc sống ban tặng, tuy có cô đơn, nhưng cảm xúc ấy thật đẹp.

Nhà văn viết cô đơn nhưng không được phép sống cô đơn. Cô đơn là trạng thái cần có để sáng tác song không thể trở thành cách sống xa lánh cuộc đời. Anh phải “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” (Nam Cao). Nỗi cô đơn của tác giả khi chuyển hóa vào tác phẩm phải trở thành nỗi cô đơn của nhân loại bởi tác phẩm chân chính phải “đi từ chân trời của một người tới chân trời của mọi người” (Paul Eluard). Nếu nó không mang tầm nhân loại, nếu cá nhân chỉ loay hoay trong nỗi cô đơn của riêng mình thì lúc đó cô đơn đồng nghĩa với cái chết của nghệ thuật. Độc giả đến với tác phẩm văn học phải mở rộng tâm hồn mình để đồng cảm, tri âm với nỗi cô đơn của nhà văn gửi gắm sau từng dòng chữ.

Cô đơn như là hư không, cả một rỗng tuếch mênh mông, cần phải lấp đầy nó, và chính cuộc phiêu lưu của viết có khả năng làm cái việc tưởng chừng như không thể này. Bởi vậy viết chính là cách thức tốt nhất để chuyển hóa nỗi cô đơn ấy thành sức mạnh lớn lao và là động lực để những áng văn bất hủ ra đời. Nỗi niềm cô độc này là điều tất yếu phải có trong quy trình sáng tạo văn chương giống như nhà văn Marguerite Duras khẳng định: “Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm.”

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan